Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Vầng trăng thơ ấu” tái hiện thời niên thiếu của Bác

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những lát cắt về cuộc đời của Bác Hồ thời thơ ấu khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha mẹ ra Huế sinh sống được tái hiện sinh động trong bộ phim điện ảnh “Vầng trăng thơ ấu”. Phim dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 17/5 nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024).

Những thước phim về thời thơ ấu của Bác Hồ do đạo diễn Hồ Ngọc Xum dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Đặng Thị Thanh Bình, lấy bối cảnh từ năm 1895 đến 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lần đầu tiên vào Huế.

“Vầng trăng thơ ấu” tái hiện thời niên thiếu của Bác - 1

Trong hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ, cũng như những mâu thuẫn giai cấp về quyền lực, an sinh. Những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch, tàn ác. Những vị quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm nhưng khúm núm, rụt rè trước vua và người Pháp. Còn lại phần đông người lao động chịu chung số phận đau khổ, tủi nhục.

Đó là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, những người cu ly kéo xe tay, trẻ em lang thang trên đường phố... hình ảnh đó in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.

Ở Huế, Nguyễn Sinh Cung có cơ hội biết đến quan Thượng thư Bộ hình Nguyễn Tuấn là người rất quý mến ông Cử Sắc (thân phụ Bác Hồ). Nguyễn Sinh Cung nhìn thấy lòng ái quốc vô hạn nơi Nguyễn Tuấn, nhưng bất lực khi vẫn còn bị lễ nghĩa phong kiến trói buộc: “Tam cang - Ngũ thường”.

Cũng ở Huế, cậu bé Cung kết giao với Anh Thư (dòng dõi trâm anh thế phiệt), Kiệt (con quan Thông ngôn), Hào (con nghệ nhân làm diều Tiến Vua). Trong những trò chơi với chúng bạn, Sinh Cung bộc lộ nhân cách xuất chúng của một nhà ái quốc, một lãnh tụ.

Trong thời gian ở Huế, Nguyễn Sinh Cung đã phải trải qua biến cố lớn khi bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Người) sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó đã qua đời vào ngày 10/2/1901. Lúc ấy, cha và anh trai đang ở Thanh Hóa, chỉ có cậu bé Cung mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ.

Kịch bản “Vầng trăng thơ ấu” từng đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) tổ chức. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết, bộ phim đến với ông như một cơ duyên. Giai đoạn đó, ông đang thực hiện bộ phim truyền hình thì được ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phim Giải Phóng gọi điện mời.

“Lúc đó, tôi chưa có ý định làm. Nhưng khi đọc xong kịch bản, có một vài chi tiết khiến tôi thích thú. Trước khi đồng ý, tôi quyết định đi Huế và Nghệ An để tìm hiểu tình hình thực tế”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết.

“Vầng trăng thơ ấu” tái hiện thời niên thiếu của Bác - 2
Hình ảnh phim “Vầng trăng thơ ấu”.

Điều khiến đạo diễn Hồ Ngọc Xum thích thú và tâm đắc nhất với dự án lần này đó là khắc họa tuổi thơ của Bác Hồ là một thiếu nhi hồn nhiên với không ít trò nghịch tinh quái như bao đứa trẻ khác. Bộ phim không đi theo hướng “thần thánh hóa” cuộc đời Bác.

Nhưng chính những tình huống đời thường dựa trên óc quan sát, sự thông minh, lòng hiếu thảo… đã góp phần nuôi dưỡng những hạt mầm để tạo nên tính cách, nhân cách của một vị lãnh tụ sau này.

Theo sử sách ghi lại, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với kinh thành Huế qua nhiều giai đoạn: Từ năm 1895 đến 1901: Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên; từ năm 1906 đến 1909: Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai, theo học trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Trường Quốc học Huế.

Bác Hồ sống ở Huế cùng những người thân gần 10 năm. Người đã lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường "cứu dân - cứu nước".

Vì thế, Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thủa thiếu thời, mà Huế còn là thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Duy Linh

Báo Lao động Xã hội số 56