Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong vòng gần 2 tuần, 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng xảy ra. Theo các chuyên gia về lĩnh vực an toàn lao động, những vụ TNLĐ nghiêm trọng hoàn toàn có thể ngăn chặn từ sớm nếu người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng

Khoảng 13 giờ 30 ngày 22/4, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, một nhóm công nhân đang tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 thì bất ngờ xảy ra sự cố động cơ điện máy nghiền đá hoạt động, làm 7 người chết tại chỗ, 3 người bị thương.

Còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ - 1
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH thăm hỏi người bị thương tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ngày 22/4.

Tiếp đó, vào lúc 8 giờ 30 ngày 1/5 lại xảy ra vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do nổ nồi hơi trong quá trình vận hành tại xưởng bán thành phẩm thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Hậu quả làm 6 người chết và 5 người bị thương.

Được biết, trong quá trình sử dụng nồi hơi tại xưởng bán thành phẩm, công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật và đã liên hệ đơn vị cung cấp thiết bị đến kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4.

Ngày 1/5, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ (thời điểm đó có 42 công nhân làm việc tại xưởng) dẫn đến hậu quả tai nạn thương tâm.

Ngay sau khi có thông tin 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra TNLĐ; đồng thời gửi lời thăm hỏi, động viên, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các nạn nhân bị TNLĐ.

Nhiều quy định về ATVSLĐ và quy chuẩn kỹ thuật không được chấp hành

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến 2 vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng trên, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nhiều quy định về ATVSLĐ và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã không được chấp hành.

“Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai cho thấy doanh nghiệp không tuân thủ đúng trách nhiệm tại nơi làm việc”.

TS Nguyễn Anh Thơ phân tích, về mặt tổ chức nhà nước, chúng ta đã phân cấp rất rõ về trách nhiệm. Tuy nhiên, tần suất thanh, kiểm tra, kiểm định, huấn luyện mang tính hình thức, thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm.

“Qua kiểm tra, có nơi vận hành hệ thống công nghệ, thiết bị được nhập khẩu hàng chục năm nay. Họ chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị ATVSLĐ”, TS Nguyễn Anh Thơ nêu thực tế và cho rằng, đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ bằng khoa học để có giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.

Theo TS Nguyễn Anh Thơ, ở nhiều nước, thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của NLĐ. Khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo, thanh tra yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay, vì khi sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất lớn.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học ATVSLĐ, nhiều nguyên nhân dẫn tới TNLĐ. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%, bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài; nguyên nhân khách quan là các yếu tố bên ngoài, con người không nhìn thấy, lường trước được chiếm khoảng 3%.

Ví dụ các thiết bị sử dụng lâu ngày, không thường xuyên được bảo dưỡng, dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. 

Để giảm thấp nhất TNLĐ, người sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở; đồng thời sửa chữa máy móc, thiết bị hư hỏng kịp thời, bảo đảm an toàn cho quá trình làm việc.

“Việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng vận hành máy móc rất quan trọng, tránh NLĐ chưa biết sử dụng vẫn cố khởi động, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, TS Nguyễn Anh Thơ nói và khuyến cáo các đơn vị, tổ chức cần thường xuyên huấn luyện, tập luyện, nâng cao ý thức cảnh giác, xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp các tình huống bất ngờ.

Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những nơi đang thi công, đồng thời lắp biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết.

Về lâu dài, theo TS Nguyễn Anh Thơ, ngoài sửa đổi, bổ sung quy định về ATVSLĐ, chính quyền địa phương cần có phương án kiểm soát từ sớm, từ xa, không để xảy ra sự cố môi trường, cháy nổ, hóa chất.

Trường hợp vi phạm phải làm rõ nguyên nhân để phòng ngừa tai nạn tái diễn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành chính, xem xét trách nhiệm hình sự nếu có.

Đối với NLĐ, có trách nhiệm bảo vệ chính mình và đồng nghiệp; nếu có nguy cơ, rủi ro xảy ra TNLĐ, bệnh tật, NLĐ có quyền từ chối làm việc. Song để NLĐ thực hiện được các quyền, nghĩa vụ này, người sử dụng lao động, Nhà nước cần phải trang bị cho NLĐ kiến thức, kỹ năng và thái độ, văn hoá, tác phong làm việc kỷ luật.

Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chương trình đánh giá hiện trạng ATVSLĐ của các hệ thống công nghệ, máy, thiết bị nhà xưởng, nguyên vật liệu, hóa chất đang được sử dụng trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để lập cơ sở dữ liệu, đánh giá được các nguy cơ, rủi ro gây TNLĐ,BNN;

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về ATVSLĐ và sớm trình Quốc hội, sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ theo hướng tăng cường quản lý, đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người bị BNN.... 

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm các vi phạm.

Văn Lý

  Báo Lao động Xã hội số 55