Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nam sinh đạt học bổng 8,3 tỷ từ trường đại học Mỹ nhờ bài luận đặc biệt

PV
PV

Thanh Dũng, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã xuất sắc đạt học bổng 8,3 tỷ đồng từ Trường Colby College, trúng tuyển 12 trường đại học top đầu khác với hồ sơ đậm màu sắc cá nhân và bài luận đến từ trải nghiệm đặc biệt.

Trúng tuyển hàng loạt các trường top đầu thế giới 

Lê Thanh Dũng hiện đang là học sinh lớp 12A1 chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Ngoài suất học bổng 8,3 tỷ đồng đến từ Trường Colby College (Mỹ), Dũng còn nhận được suất học bổng nghiên cứu Presidential Scholar trị giá 3.000 USD cùng đặc quyền được học các lớp Âm nhạc miễn phí trong năm đầu tiên.

Dù đỗ cả những trường có thứ hạng rất cao như Đại học Toronto (top 1 Canada), Đại học Aalto (top 1 Phần Lan), hay Đại học Adelaide (top 7 Úc), nam sinh vẫn lựa chọn theo học Colby College bởi rất thích sự đa văn hoá của trường. Dũng nhận thấy ngôi trường này đầu tư trong việc đem lại trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên.

Nam sinh đạt học bổng 8,3 tỷ từ trường đại học Mỹ nhờ bài luận đặc biệt - 1
Lê Thanh Dũng, nam sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đạt học bổng 8,3 tỷ đồng từ Trường Colby College (Mỹ) (Ảnh: NVCC).

Khi theo học tại Colby, sinh viên sẽ được trải nghiệm các chuyên ngành trong năm nhất và đăng ký chuyên ngành mong muốn khi học lên năm 2. Đây là cơ hội để sinh viên khám phá và tìm hiểu chuyên ngành thực sự đam mê.

Hồ sơ ứng tuyển của Dũng nổi bật với hình ảnh một ứng viên toàn diện về thành tích học tập cũng như hoạt động ngoại khoá.

Nam sinh sở hữu IELTS 8.0, SAT 1550 và điểm trung bình 9.5 cùng loạt thành tích như: là thành viên của đội quán quân cuộc thi Mini Hackathon for Good Causes - một cuộc thi sáng kiến học sinh do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức; lọt vào vòng chung kết cuộc thi International Essay Contest do Mono Mousumi tổ chức…

Bên cạnh đó, Dũng cũng là thành viên cốt cán của một số dự án lớn, sở hữu một số chứng chỉ cơ bản về Marketing qua các khóa học. Cậu tham gia nghiên cứu khoa học với chủ đề truyền thông bằng âm nhạc và cách âm nhạc ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng với một giảng viên Trường Đại học Lao động Xã hội và được xuất bản trên báo quốc tế, được đánh giá cao và sáng tạo.

Ngoài ra, khi ứng tuyển vào Colby College, Dũng cũng chuẩn bị một bộ hồ sơ năng lực dành cho sở thích âm nhạc và viết lách của mình. Dũng cho biết âm nhạc là đam mê đã theo cậu xuyên suốt từ những ngày học mẫu giáo, và cũng là điều hình thành Dũng hiện tại.

Tham gia các hoạt động biểu diễn tại trường từ mẫu giáo đến khi học cấp 2, khi học cấp 3, Dũng tự tập trung tìm hiểu sâu hơn về thanh nhạc, nhạc lý, và kỹ thuật trình diễn. Trong hồ sơ, Dũng cũng thể hiện khả năng đàn T’rưng, nhạc cụ phổ biến ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Không chỉ vậy, cậu còn thể hiện niềm đam mê văn học bằng những bài thơ tự viết được đính kèm trong hồ sơ.

Trong quá trình nộp hồ sơ du học, Dũng cũng gặp phải một số khó khăn khi ôn thi SAT, mông lung khi đi tìm màu sắc riêng của bản thân, hay việc phải chuẩn bị lên tới 40 bài luận cho các trường đại học. Tuy nhiên, qua những lần viết luận, Dũng dần hiểu bản thân hơn và rèn luyện được phong cách viết luận chuyên nghiệp hơn.

Chuyên ngành Dũng dự định đăng ký là ngành Tâm lý học và Khoa học dữ liệu. Dũng cho rằng đây là hai chuyên ngành có liên kết chặt chẽ và thú vị khi các chuyên gia trong ngành sẽ sử dụng những phân tích thu thập được từ những số liệu, bảng biểu kết hợp với kiến thức tâm lý để phán đoán và giải quyết vấn đề.

“Cuộc sống hiện đại ngày nay dường như đã khá thoả mãn nhu cầu về vật chất của con người, vấn đề được quan tâm hiện nay chính là nhu cầu về tinh thần. Sau khi rô-bốt bắt đầu giúp con người các công việc chân tay thì điểm khác biệt giữa chúng ta và các trí tuệ nhân tạo đó chính là cảm xúc. Bởi vậy mà em thấy ngành này khá hay và theo kịp sự phát triển của xã hội”, Dũng tiết lộ.

Nguồn cảm hứng cho bài luận đến từ trải nghiệm đặc biệt

Vốn ban đầu có định hướng bản thân theo chuyên ngành Truyền thông-Marketing, nhưng nhận ra ngành này ở Mỹ rất ít trường đào tạo với chất lượng cao và ít cơ hội việc làm, Dũng có suy nghĩ muốn đổi hướng sang ngành khác.

Sau đó, một người bạn khá thân của Dũng có chia sẻ về hội chứng đa nhân cách trên mạng xã hội với chế độ bạn thân. Dũng rất bất ngờ khi biết điều này bởi nam sinh đã quen người bạn này khá lâu, và chuyện của người bạn trên cũng đi theo hướng mà Dũng chưa từng biết.

“Từ trước đến nay, nhiều phim ảnh, văn hoá phẩm về tâm thần khiến chúng ta nhìn chung có cái nhìn sai lệch về căn bệnh này, theo nghĩa là họ sẽ không có đủ năng lực thực hiện các hành vi dân sự, có hành vi kỳ lạ, không giống người bình thường.

Nhưng sau khi nghe câu chuyện của bạn thì em nhận ra rằng đây chỉ là một căn bệnh về tâm thần, và những người bị bệnh hoàn toàn có thể sống cuộc sống của họ như bình thường. Vì nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này vẫn chưa cao nên nhiều người có các bệnh thần kinh bị hiểu nhầm, xa lánh”, Dũng chia sẻ.

Dũng từng có dự định tham gia một chuyến tình nguyện với thăm các bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần, nhưng sớm nhận ra kế hoạch này không khả thi. Về sau, Dũng quyết định tham gia chuyến tình nguyện 7 ngày đến Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội và trò chuyện với các bệnh nhân tại đây.

Càng có nhiều cuộc hội thoại với các bệnh nhân tại đây, Dũng càng nhận ra nhiều khía cạnh của các hội chứng tâm thần. Bệnh nhân của căn bệnh này có thể đến từ bất cứ ngành nghề, tầng lớp, lĩnh vực nào.

Nam sinh cũng nhận thấy rằng, trong ngành y, những bác sĩ tâm thần thường bị đánh giá thấp hơn so với bác sĩ một số chuyên khoa khác như hô hấp, tiêu hoá…Điều này cho thấy nhận thức của mọi người xung quanh về vấn đề này vẫn chưa đầy đủ.

Nam sinh đạt học bổng 8,3 tỷ từ trường đại học Mỹ nhờ bài luận đặc biệt - 2
Thanh Dũng kể về bài luận đặc biệt giúp em vào đại học ở Mỹ (Ảnh: NVCC).

Đây cũng là câu chuyện được Dũng kể lại trong bài luận của bản thân. Khi tình nguyện tại trung tâm, Dũng mạnh dạn bắt chuyện cũng như quyết định “cầm mic” biểu diễn cho mọi người dù ban đầu khá ngại ngùng. Nhưng nhờ đó mà bầu không khí cũng trở nên sôi động và mọi người tham gia nhiệt tình hơn, trở nên vui vẻ hơn. 

Điều này giúp Dũng thấy được sức mạnh của âm nhạc đối với những người mắc bệnh tâm thần. Cậu cũng nhận ra, bản thân có khả năng làm chủ cho quyết định của mình, tạo động lực để ngày càng phát triển hơn. 

Bên cạnh đó, trong bài luận của mình, Dũng cũng kể câu chuyện về một lần em tham gia một buổi hoà ca, nhưng không được đứng trên sân khấu với tư cách ca sĩ solo mà chỉ được tham gia vai bè trầm.

Câu chuyện đã giúp cậu nhận ra khả năng làm việc độc lập và nỗ lực để tỏa sáng vô cùng quan trọng. Nếu chỉ hài lòng với vị trí hát bè, bản thân cũng sẽ chỉ là một giọng hát hoà chung ở tông trầm và có thể sai mà không ai biết, nhưng không có cơ hội để chứng minh bản thân. 

Ưu tiên phát triển bản thân vì tuổi trẻ vẫn còn nhiều thời gian để tận hưởng

Dù gặp khó khăn khi chuyển hướng bất ngờ, bộ hồ sơ của Dũng vẫn cho thấy được sự nhất quán qua các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm của mình. Từ niềm đam mê với âm nhạc cho đến nhận ra được mối liên hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và tâm lý học, màu sắc cá nhân của Dũng được thể hiện vô cùng rõ ràng, trở thành điểm cộng lớn khi nam sinh ứng tuyển các trường đại học tại Mỹ. 

Về phương pháp học tập và cân bằng thời gian trong quá trình xây dựng hồ sơ, nam sinh sẽ tập trung trong các giờ lên lớp để nắm kiến thức cơ bản. Dũng ưu tiên việc học hiểu thay vì học thuộc ở những môn xã hội, bởi khi có nền chắc thì những kiến thức cần học sẽ dễ nhớ hơn. 

Cô Nguyễn Thị Mỳ, giáo viên chủ nhiệm của Dũng cho hay, Dũng là học sinh nghiêm túc và toàn diện ở tất cả các môn học. Khi gặp những vấn đề khó, Dũng thường trao đổi thẳng thắn và có cách giải quyết sáng tạo, phát hiện vấn đề rất nhanh. 

Dù nhiều khi phải trải qua áp lực đồng trong lứa, Dũng luôn tâm niệm đây là cơ hội để nhìn nhận bản thân, bởi người khác có thể thì mình cũng có thể. Tuy nhiên, mỗi người đều có năng lực ở lĩnh vực khác nhau, không nên so sánh bất cân đối và biết vui vẻ cho thành công bạn bè chứ không phải cảm thấy áp lực không đáng có. 

Dũng cũng thường đặt ra mục tiêu cụ thể cho bản thân. Dũng cho rằng, mình vẫn còn trẻ, bởi vậy việc tận hưởng cuộc sống vui chơi thoải mái có thể để sau. Còn việc phát triển bản thân, học tập là việc quan trọng, cần được để lên hàng đầu. 

Mỹ Hạnh