Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mở "chiến dịch" đào tạo nhân lực bán dẫn: Đòi hỏi hành động mau lẹ hơn

. Thanh Nhung
. Thanh Nhung

(Dân sinh) - “Chúng ta đang có tư duy và tầm nhìn xa, điều này đòi hỏi phải hành động mau lẹ hơn cùng với những công việc cụ thể với 3 vấn đề cốt lõi mà như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu, trong đó vấn đề lớn nhất đó là yếu tố con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh,

Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. 

Vì thế, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, các bộ ngành, và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Mở "chiến dịch" đào tạo nhân lực bán dẫn: Đòi hỏi hành động mau lẹ hơn - 1
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nhân lực chất lượng cao, nhất là ngành bán dẫn được bàn đến hiện nay "rất đúng và trúng"

 

Không nên bỏ phí nhân lực bán dẫn đang đào tạo tại các trường nghề

Trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, không phải bây giờ chúng ta mới làm, mà cách đây 2 nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ cũng đã bàn nhiều vấn đề nhân lực. 

Đến nay, câu chuyện về chất lượng nhân lực, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH vẫn nguyên tính thời sự và việc xác định lựa chọn nội dung này vào thời điểm hiện nay “là đúng và trúng”.

“Chúng ta đang có tư duy và tầm nhìn xa, điều này đòi hỏi phải hành động mau lẹ hơn cùng với những công việc cụ thể với 3 vấn đề cốt lõi mà như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu, trong đó vấn đề lớn nhất đó là yếu tố con người”, ông Dung nhấn mạnh, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cần điều này như chúng ta.

Liên quan đến chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cơ bản có 3 vấn đề như báo cáo nêu, thứ nhất là thiết kế, thứ hai là sản xuất, thứ ba là phân loại, đóng gói và thử nghiệm.

“Vấn đề chúng ta lựa chọn gì?”, ông nêu và phân tích, trong báo cáo và đề dẫn của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề cập tương đối rõ nội dung này, thiết kế vẫn là vấn đề khó nhất và đầu tư nhiều nhất, nhưng thu lợi cũng lớn nhất, còn lại các phần khác như phân loại, đóng gói… thì đây chính là lợi thế của chúng ta.

Quay trở lại vấn đề đạo tạo nguồn nhân lực, ông Dung khẳng định: “Cũng phải tính toán trên cơ sở cung và cầu, để tính toán cho phù hợp, không nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể”.

Ông cũng đồng tình với việc xác định nội hàm đào tạo và đối tượng đào tạo trong Đề án là đại học và trên đại học, “nhưng chúng ta cũng phải tính toán để có hướng đi phù hợp cho từng giai đoạn; cũng cần tập trung vào 5 vấn đề: đào tạo cơ bản dài hạn, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo trực tiếp”.

“Thực tiễn chúng ta có nhiều trường cao đẳng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn; đề nghị không nên bỏ phí nguồn nhân lực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Mở "chiến dịch" đào tạo nhân lực bán dẫn: Đòi hỏi hành động mau lẹ hơn - 2
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi

 

Cần 26.000 tỷ đồng để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Trao đổi về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án. 

Đề cập cụ thể nội dung của Đề án, ông Dũng cho biết, mục tiêu là đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.

Các con số cụ thể cũng đã được đưa ra, đó là đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Theo dự tính trong Đề án, thực hiện mục tiêu đề ra, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được Đề án, Bộ KH&ĐT cũng đã đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có việc khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, bởi thế, hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn.

Khi đó, mới có thể “đứng trên vai những người khổng lồ”, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Mở "chiến dịch" đào tạo nhân lực bán dẫn: Đòi hỏi hành động mau lẹ hơn - 3
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam: Cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực "nhập khẩu"

Theo ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam, đây là cơ hội rất lớn đối với tất cả các quốc gia quan tâm đến việc phát triển công nghiệp bán dẫn.

"Ở các quốc gia đã phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là các công ty toàn cầu như Intel, đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt", ông Thắng nói. 

Để làm được điều đó, theo ông Thắng, Việt Nam cần những chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng đồng thời chúng ta cũng không có nhiều thời gian. Vì vậy, phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể.

Chiến lược này liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ… Trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi một công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau.

Vì vậy, theo ông Thắng, dù chúng ta có một chiến lược chung để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đi chăng nữa thì cũng cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực mà chúng ta cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.

“Như các Bộ trưởng đã chia sẻ, có vẻ như chúng ta sẽ có lợi thế khi đi vào những công đoạn bán dẫn không đầu tư quá nhiều về tài chính mà đầu tư về con người thì sẽ phù hợp hơn”, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam nói. 

Và lưu ý thêm, nguồn nhân lực ở nước ngoài cũng vô cùng quan trọng có thể giúp Việt Nam vừa đảm bảo chất lượng đã được kiểm chứng ở trên thị trường toàn cầu đồng thời cũng rút ngắn được thời gian để chúng ta có thể bắt kịp được năng lực của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và phục vụ cho nhu cầu trong nước. 

“Vì vậy cần phải có chính sách để thu hút nguồn lực nhập khẩu này”, ông Thắng nhấn mạnh.