Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất tăng tiền trợ cấp ưu đãi người có công lên 2.655.000 đồng từ 1/7

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thực hiện cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1/7 tăng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng.

Tại Điều 3, Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội quy định, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Điều này đồng nghĩa, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ tăng lên.

Đề xuất tăng tiền trợ cấp ưu đãi người có công lên 2.655.000 đồng từ 1/7 - 1
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà, thăm hỏi, động viện đến người có công với cách mạng tại tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Tống Giáp).

Liên quan đến nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề xuất tăng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 5/2024 hoàn thành việc xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Liên quan đến việc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đối với chính sách người có công sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là “người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường”. 

"Trên tinh thần đó, mức trợ cấp người có công sẽ cao hơn một bậc so với mức cải cách tiền lương", theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Hiện nay, theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng.

Mức chuẩn này được dùng làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, người có công với cách mạng còn được hưởng các chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà, mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/1 người/1 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng hưởng; điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung, mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/1 người/1 lần.

Song song, người có công được hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 3 người) hoặc thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ là 3.000 đồng/1 km/1 người.

Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí một phần khi di chuyển hài cốt liệt sĩ. Mức hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ 4.000.000 đồng/1 hài cốt liệt sĩ; mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn (tối đa 3 người), tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ là 3.000 đồng/1 km/1 người.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cùng liệt sĩ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thì được hỗ trợ một lần kinh phí xây dựng mộ liệt sĩ, mức 10 triệu đồng/1 mộ...

Ngoài ra, còn có các chế độ ưu đãi khác như trợ cấp mai táng có mức chi theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội về trợ cấp mai táng; trợ cấp liệt sĩ 1.400.000 đồng/1 liệt sĩ/1 năm.

Thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trợ lên được chi tiền ăn thêm ngày lễ, tết, mức 200.000 đồng/1 người/1 ngày.

Số ngày được chi ăn thêm là ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày 27/7 và ngày 22/12 hàng năm.

Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành LĐ-TB&XH được hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe...

Trước đó, tại Tổng kết ngành LĐ-TB&XH năm 2023, liên quan đến chính sách người có công, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý: "Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội". 

Những đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm:

- Người có công với cách mạng, gồm có:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

+ Liệt sĩ;

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh;

+ Bệnh binh;

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Người có công giúp đỡ cách mạng.

-  Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.